Just another WordPress site
THÔNG TIN HỌC BỔNG

Trang tin Công khai chất lượng Chuẩn đầu ra

Trang tin Công khai chất lượng Chuẩn đầu ra

BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH      CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

     TRƯỜNG ĐẠI HỌC TDTT ĐÀ NẴNG            Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

QUY ĐỊNH

CHUẨN ĐẦU RA ĐỐI VỚI SINH VIÊN TỐT NGHIỆP CỦA

TRƯỜNG ĐẠI HỌC TDTT ĐÀ NẴNG

(Ban hành theo Quyết định số: 786/QĐ-TDTTĐN ngày 13 tháng 9 năm 2010 của Hiệu trường Đại học TDTT Đà Nẵng)

 

A. GIỚI THIỆU CHUNG

I. Thông tin chung về trường:

1. Tên trường: Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng

(Danang University of Physical Education and Sports)

2. Tên viết tắt của trường

Tiếng Việt: ĐHTDTTĐN

Tiếng Anh: DUPES

3. Tên trường trước đây: Trường Trung học Thể dục Thể thao TW3

4. Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

5. Địa chỉ: 44 Dũng Sỹ Thanh Khê, Quận Thanh Khê, Thành phố Đà Nẵng

6. Thông tin liên hệ: Điện thoại: 05113759409 Số fax: 0511.3759409

E-mail: tdttdn@upes3.edu.vn

Website: www.upes3.edu.vn

II. Giới thiệu khái quát về trường:

Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng, tiền thân là Trường Trung học Thể dục Thể thao Trung ương III được thành lập ngày 13/12/1977, được nâng cấp lên trường cao đẳng năm 1997 và lên trường đại học năm 2007.

Trường có chức năng đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, giáo viên có trình độ sau đại học, đại học, cao đẳng và trung cấp; nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực thể dục thể thao. Hiện nay quy mô đào tạo gần 3.000 sinh viên đại học, cao đẳng và trung cấp ngành giáo dục thể chất với 14 chuyên ngành. Có 15 khoa, bộ môn trực thuộc Ban giám hiệu và 2 bộ môn trực thuộc khoa. Trường đang mở thêm các ngành mới như: Sư phạm thể dục thể thao, huấn luyện thể thao, quản lý thể dục thể thao và y sinh học thể thao. Hiện nay nhà trường đang liên kết với các truờng bạn, các trung tâm giáo dục thường xuyên của các tỉnh tổ chức đào tạo cao học và bồi dưỡng các lớp theo mô hình vừa làm vừa học. Mở rộng hợp tác trong đào tạo và các hoạt động nghiên cứu khoa học, giao lưu văn hóa với các nước bạn.

Trải qua hơn 32 năm xây dựng và phát triển, từ một trường đào tạo hệ trung cấp TDTT cho khu vực miền Trung-Tây nguyên. Từ năm 1993 đến nay nhà trường đã liên kết với trường Đại học TDTT Bắc Ninh đào tạo trên 20 khoá hệ đại học chính quy và không chính quy tại trường, qua đó đã giúp cho nhà trường nâng cao nhanh hơn về năng lực đào tạo, vững vàng về chuyên môn cũng như cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ được giao khi được nâng cấp thành trường đại học (năm 2007). Hiện nay nhà trường có các hệ đào tạo sau: Liên kết đào tạo sau đại học và tự chủ đào tạo các hệ đại học, cao đẳng, trung cấp.

Với những nỗ lực của cả tập thể qua nhiều giai đoạn phát triển, Trường Đại học TDTT ĐN đã đựơc Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba (năm 1997), Huân chương lao động hạng Nhì (năm 2007) và nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của các Bộ ngành và thành phố Đà Nẵng.

III. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của trường:

Trường Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng (sau đây gọi tắt là Trường) là đơn vị sự nghiệp, trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, có chức năng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thể dục, thể thao trình độ, đại học, sau đại học, cao đẳng, trung cấp và tổ chức các hoạt động khoa học, công nghệ trong lĩnh vực thể dục, thể thao.

Trường Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng có tư cách pháp nhân, có con dấu và có tài khoản tại Kho bạc nhà nước và ngân hàng. Nhiệm vụ và quyền hạn của trường:

1. Trình Bộ trưởng Bộ văn hoá, Thể thao và Du lịch đề án xây dựng và phát triển Trường, kế hoạch đào tạo, nghiên cứu khoa học dài hạn, hàng năm và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

2. Tổ chức đào tạo nguồn nhân lực các ngành được phép đào tạo ở bậc đại học, sau đại học, cao đẳng, trung cấp bồi dưỡng nghiệp vụ theo chỉ tiêu được phân bổ của Nhà nước và theo nhu cầu xã hội.

3. Xây dựng chương trình, kế hoạch giảng dạy và học tập đối với các ngành được phép đào tạo trên cơ sở chương trình khung do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; tổ chức biên soạn, duyệt, thẩm định, phát hành giáo trình, đề cương bài giảng, tài liệu tham khảo và các ấn phẩm khoa học khác phục vụ hoạt động đào tạo nghiên cứu khoa học của Trường theo quy định của pháp luật.

4. Xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh theo chỉ tiêu được phê duyệt; tổ chức đào tạo, thi, kiểm tra, công nhận tốt nghiệp, cấp văn bằng, chứng chỉ các ngành được phép đào tạo theo quy định của pháp luật.

5. Tiến hành nghiên cứu khoa học; triển khai, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn hoạt động của Trường, gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

6. Xây dựng trang tin điện tử (website) riêng, quản lý và cung cấp các nguồn thông tin khoa học của Trường, tham gia vào hệ thống thông tin chung của các trường đại học, các Bộ, ngành có liên quan.

7. Hợp tác, liên kết với các cơ sở .đào tạo, nghiên cứu khoa học, các tổ chức, liên đoàn thuộc lĩnh vực thể dục thể thao trong nước và nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng đào tạo theo quy định của pháp luật.

8. Xây dựng quy hoạch đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức của Trường; phát hiện, bồi dưỡng nhân tài trong đội ngũ cán bộ, giáo viên và người học.

9. Cải tiến công tác quản lý, hoàn thiện bộ máy tổ chức của Trường theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, hoạt động có hiệu quả; thực hiện các nội dung cải cách hành chính theo chương trình, kế hoạch công tác của Bộ.

10. Tự đánh giá chất lượng đào tạo và chịu sự kiểm định chất lượng đào tạo của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

11. Tổ chức các hoạt động dịch vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao và theo quy định của pháp luật.

12. Quản lý nhân sự và người học, thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, viên chức, người lao động và người học thuộc phạm vi quản lý của Trường theo quy định của pháp luật.

13. Quản lý, sử dụng nhà đất, tài chính, tài sản, ngân sách được phân bổ và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

14. Thực hiện các nhiệm vụ khác trong Điều lệ trường đại học và được Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch giao.

IV. Sứ mạng, mục tiêu, chính sách và mục tiêu chất lượng của trường:

+ Sứ mạng:

Sứ mạng của trường Đại học TDTT Đà Nẵng là đào tạo đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên, giáo viên TDTT trình độ sau đại học, đại học, cao đẳng có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có khả năng tổ chức quản lý các phong trào hoạt động TDTT, giảng dạy thể dục tại các trường học, huấn luyện thể thao thành tích cao; đồng thời có khả năng nghiên cứu khoa học TDTT phục vụ cho yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

+ Mục tiêu:

Phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện và nghiên cứu khoa học TDTT hàng đầu của miền Trung và trong cả nước.

+ Chính sách và mục tiêu chất lượng:

Chính sách chất lượng:

1. Tiếp tục mở rộng quy mô một cách hợp lý, đa dạng hoá các loại hình đào tạo, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu cán bộ TDTT cho sự nghiệp đổi mới đất nước ở miền Trung – Tây nguyên và cả nước. 2. Tạo dựng môi trường làm việc công khai, minh bạch nhằm phát huy tối đa năng lực của mỗi thành viên trong nhà trường.

3. Áp dụng triệt để công nghệ thông tin trong quản lý và trong đào tạo.

4. Phát huy tối đa tiềm năng và cống hiến của tất cả các cá nhân, thiết lập kỷ cương, xây dựng tinh thần cộng đồng tập thể đáp ứng ngày càng cao yêu cầu phát triển thể dục thể thao của Việt Nam và Thế giới.

5. Liên tục cải tiến Hệ thống Kiểm định chất lượng.

Mục tiêu chất lượng từ năm 2010 và 2011:

1. Thực hiện đầy đủ và hiệu quả các cuộc vận động về “Chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục”, “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội” và “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

2. Thực hiện 3 công khai: Công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế , Công khai điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; Công khai tài chính.

3. Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác hành chính trong toàn trường.

4. Thực hiện đào tạo theo niên chế học phần hệ đại học, cao đẳng chính quy và không chính quy.

5. Đảm bảo 100% các môn học của ngành giáo dục thể chất có giáo trình hoặc bài giảng (dưới nhiều hình thức) để phục vụ giảng dạy và học tập.

6. Phấn đấu tăng tỉ lệ giảng viên, nghiên cứu viên có trình độ sau đại học lên trên 80%, trong đó có 5,0 % đạt trình độ Tiến sĩ theo kế hoạch và mục tiêu chiến lược phát triển của Trường.

7. Trên 75% sinh viên, học viên hài lòng với nội dung và phương pháp giảng dạy các môn học tại trường.

8. 100 % giảng viên các khoa, bộ môn tham gia nghiên cứu khoa học hoặc chuyển giao công nghệ theo quy định hiện hành.

9. Triển khai áp dụng hệ thống Kiểm định chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

V. Chuẩn đầu ra trình độ Đại học:

Trình độ Đại học Chính quy Giáo dục thể chất
Trình độ Đại học Chính quy Quản lý thể thao
Trình độ Đại học Chính quy Huấn luyện thể thao

TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG CHINH QUY

1. Kiến thức

– Có hiểu biết về các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh; có kiến thức cơ bản trong lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học tự nhiên để tiếp thu kiến thức chuyên nghiệp;

– Có kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ, đảm bảo được những yêu cầu đổi mới mục tiêu, phương pháp, hình thức tổ chức dạy và học, kiểm tra đánh giá kết quả môn học giáo dục thể chất;

– Hiểu các nguyên tắc, phương pháp vận dụng những tri thức khoa TDTT vào thực tế giảng dạy, phát triển phong trào TDTT, có tiềm năng khoa học để tự phát triển năng lực nghề nghiệp đáp ứng sự phát triển của thực tiễn ngành TDTT;

– Hiểu rõ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước đối với GD&ĐT và TDTT;

– Có kiến thức cơ bản về công tác tổ chức, quản lý các hoạt động TDTT;

– Đạt trình độ tiếng Anh trình độ A, giao tiếp thông thường;

– Đạt trình độ tin học trình độ A, có khả năng soạn thảo văn bản thông thường phục vụ cho chuyên ngành đào tạo.

2. Kỹ năng

* Kỹ năng cứng:

– Xử lý linh hoạt và khéo léo các tình huống sư phạm trên cơ sở nhận biết các đặc điểm tâm lý lứa tuổi đối tượng học sinh;

– Tổ chức, thực hiện tốt các hoạt động giảng dạy, huấn luyện, giáo dục và các hoạt động ngoại khoá đảm bảo những yêu cầu sư phạm cơ bản;

– Chuẩn bị, thực hiện bài giảng lý thuyết và thực hành về chuyên ngành được đào tạo đảm bảo những yêu cầu sư phạm;

– Có kỹ năng tổ chức, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh đảm bảo các nguyên tắc và quy chế, quy định hiện hành;

– Có kỹ năng tổ chức quản lý điều hành hoạt động tập luyện và thi đấu các môn thể thao phổ cập ở cơ sở.

* Kỹ năng mềm:

– Kỹ năng giao tiếp: Trình bày, biểu đạt vấn đề logíc, khoa học, tiếp nhận và xử lý thông tin;

– Kỹ năng làm việc: Có khả năng giao tiếp và làm việc độc lập hoặc theo nhóm.

3. Thái độ

– Có ý thức trách nhiệm công dân; có thái độ đạo đức nghề nghiệp đúng đắn; có ý thức kỷ luật và tác phong công nghiệp; khả năng làm việc nhóm;

– Hình thành tình cảm và đạo đức nghề nghiệp của người giáo viên TDTT;

– Hình thành và phát triển được khả năng tư duy khoa học và tinh thần hợp tác trong quá trình thực hiện công việc;

– Thường xuyên tự học và rèn luyện để nâng cao kiến thức chuyên môn, năng lực sư phạm và hoàn thiện những phẩm chất nhân cách của người giáo viên TDTT.

4. Vị trí và khả năng công tác sau khi tốt nghiệp

– Có khả năng giảng dạy môn học giáo dục thể chất trong các trường phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp, cán bộ TDTT phong trào ở cơ sở, các câu lạc bộ TDTT; huấn luyện đội đại biểu các môn thể thao cho học sinh trong các trường phổ thông;

– Tổ chức, tư vấn về quản lý phong trào TDTT trong các tổ chức xã hội, lĩnh vực kinh doanh, các cơ quan quản lý nhà nước về TDTT.

5. Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi ra trường

Có thể theo học liên thông lên bậc đại học ngành giáo dục thể chất.

TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP CHINH QUY

1. Kiến thức

– Có hiểu biết các môn lý luận chính trị; có kiến thức cơ bản về khoa học xã hội và nhân văn để tiếp thu kiến thức giáo dục chuyên nghiệp;

– Nắm vững, có hệ thống các kiến thức cơ sở ngành giáo dục thể chất trong lĩnh vực giảng dạy môn học thể dục và hướng dẫn viên phong trào TDTT ở cơ sở;

– Có khả năng học lên trình độ cao hơn;

– Đạt trình độ tiếng Anh tương đương trình độ A;

– Đạt trình độ tin học tương đương trình độ A.

2. Kỹ năng

* Kỹ năng cứng:

– Có kỹ năng và phương pháp tổ chức hoạt động các môn thể thao quần chúng; hướng dẫn tổ chức hoạt động TDTT trong các loại hình hoạt động ở các câu lạc bộ, các tổ chức và các doanh nghiệp…;

– Tổ chức, thực hiện tốt các hoạt động giảng dạy, giáo dục và các hoạt động ngoại khoá đảm bảo những yêu cầu sư phạm cơ bản trong trường phổ thông;

– Có khả năng hướng dẫn, tổ chức thi đấu, làm trọng tài, huấn luyện VĐV năng khiếu các môn thể thao ở cơ sở;

– Có khả năng áp dụng được những hiểu biết đã học vào công việc được giao, tự học tập nâng cao trình độ, năng lực nghề nghiệp.

* Kỹ năng mềm:

– Kỹ năng giao tiếp: Trình bày vấn đề logíc, tiếp nhận và xử lý thông tin;

– Kỹ năng làm việc: Có khả năng giao tiếp và làm việc độc lập.

3. Thái độ

– Chấp hành nghiêm túc pháp luật của Nhà nước và các quy định của trường, của cơ quan. Có ý thức kỷ luật và tác phong công nghiệp;

– Hình thành tình cảm và đạo đức nghề nghiệp của người giáo viên, người cán bộ TDTT;

– Có phương pháp làm việc khoa học, tư duy giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn công tác.

4. Vị trí và khả năng công tác sau khi tốt nghiệp

Sau khi tốt nghiệp, học sinh có thể công tác tại các doanh nghiệp có tổ chức phong trào TDTT; các cơ quan quản lý hoạt động TDTT và giáo viên TDTT ở các trường tiểu học, hoạt động tại các CLB TDTT….

5. Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi ra trường

Học sinh có thể theo học liên thông lên bậc cao đẳng, đại học ngành giáo dục thể chất.

VI. Cam kết thực hiện:

Thực hiện nghiêm chỉnh chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về việc công bố chuẩn đầu ra của quá trình đào tạo; căn cứ vào tầm nhìn, sứ mạng và chức năng nhiệm vụ của trường; nhu cầu thực tiễn về đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội; hệ thống chuẩn đầu ra của Trường ĐH TDTT Đà Nẵng.

Trường tuyên bố công khai ngành đào tạo trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp của nhà trường trước cộng đồng và xã hội. Hệ thống chuẩn đầu ra này cũng chính là bản cam kết của Đảng Ủy, BGH, các cán bộ quản lý, toàn thể giảng viên, cán bộ viên chức của trường trước Bộ GD&ĐT – Bộ VH,TT&DL và cộng đồng xã hội trong việc thực hiện nghiêm chỉnh các giải pháp nhằm đạt chuẩn đầu ra cho quá trình đào tạo đảm bảo chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu của người học cũng như của thị trường lao động và nhu cầu xã hội.

 

HIỆU TRƯỞNG

(Đã ký)

 

Lê Tấn Đạt

Các tin liên quan
  • Đội ngũ cán bộ
  • Sứ mệnh – Mục tiêu

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN THỂ DỤC THỂ THAO VÀ DU LỊCH UPES3


Địa chỉ mới: Số 570 Trần Cao Vân, Xuân Hà, Thanh Khê, Đà Nẵng
Website: https://upes3.edu.vn
Hotline: 0969645151 * Email: contact@upes3.edu.vn
Chính sách quyền riêng tư, Thông báo

Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn “upes3.edu.vn” như một sự tri ân với tác giả. Xin cảm ơn!

DMCA.com Protection Status